Giày laser hỗ trợ vận động cho bệnh nhân Parkinson

Trong đó, đứng yên tại chỗ không thể bước tiếp về phía trước theo như ý muốn (còn gọi là tình trạng “đông cứng bước đi”) là một triệu chứng nặng thường xảy ra ở những giai đoạn tiến triển xa của bệnh. Mới đây, các nhà khoa học thuộc Đại học Twente và Bệnh viện Đại học Radboud (Mỹ) cho biết, việc sử dụng giày laser sẽ mang lại nhiều lợi ích trong vận động đối với những bệnh nhân Parkinson.

Bệnh ảnh hưởng tới sự di chuyển

Parkinson là một bệnh thoái hóa thần kinh chủ yếu tác động đến hệ vận động. Hiện tại, trên toàn thế giới có khoảng 6 triệu người mắc bệnh với số lượng tử vong khoảng 120.000 người (2015). Bệnh chủ yếu gặp phải ở những người có độ tuổi trên 60. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện và tiến triển chậm theo thời gian, thường gặp nhất bao gồm run, cứng cơ, vận động chậm chạp và khó khăn trong đi lại. Những rối loạn trong hành vi và nhận thức, cảm giác, cảm xúc và giấc ngủ cũng có thể xảy ra. Khi ở giai đoạn muộn, bệnh nhân Parkinson có thể sẽ bị sa sút trí tuệ hoặc trầm cảm. Nguyên nhân dẫn đến bệnh Parkinson có thể là do di truyền hoặc các yếu tố môi trường. Hiện tại chưa có liệu pháp chữa lành căn bệnh này. Những phương pháp điều trị hiện tại chủ yếu nhằm cải thiện tình trạng vận động của bệnh nhân.

Giày laser giúp bệnh nhân Parkinson đi lại dễ dàng hơn.

Giày laser giúp bệnh nhân Parkinson đi lại dễ dàng hơn.

Đi lại khó khăn là tình trạng thường gặp khiến bệnh nhân Parkinson trở nên bất lực. Trong đó, đứng yên tại chỗ không thể bước tiếp về phía trước theo như ý muốn (còn gọi là tình trạng “đông cứng bước đi”) là một triệu chứng nặng thường xảy ra ở những giai đoạn tiến triển xa của bệnh. Triệu chứng này có thể kéo dài vài giây đến vài phút và thường xảy ra khi bệnh nhân bị căng thẳng do gặp phải môi trường không quen thuộc hoặc khi thuốc điều trị hết tác dụng. Do chân không thể di chuyển được trong khi phần trên của cơ thể vẫn tiếp tục hướng về phía trước nên bệnh nhân cảm thấy rất bất tiện hoặc có thể bị mất thăng bằng và ngã xuống.

Đối với vấn đề vận động, bệnh nhân Parkinson thường gặp phải một hiện tượng rất đặc biệt, đó là khi tập trung nhìn vào một đối tượng trên nền nhà, chẳng hạn những đường kẽ (được gọi là “ám hiệu thị giác”) và bước về phía chúng, các vi mạch điện sinh học ở não sẽ được hoạt hóa giúp họ có thể vượt qua được tình trạng đông cứng và tiếp tục bước về phía trước. Nhưng những ám hiệu thị giác này không phải lúc nào cũng có sẵn, do đó, với việc sử dụng giày laser sẽ giúp những ám hiệu thị giác hữu ích này được áp dụng liên tục hằng này, và điều đó sẽ khiến bệnh nhân Parkinson đi lại dễ dàng và an toàn hơn.

Ứng dụng của giày laser với người bệnh

Đây là phát minh của một sinh viên người Đan Mạch tên là Lise Pape khi anh đang theo học ngành kỹ thuật thiết kế cải tiến tại Trường Nghệ thuật, Đại học Hoàng gia London, Anh. Sáng kiến này được khơi nguồn từ việc cha của Lise Pape phải chống chọi với những khó khăn trong vận động của bệnh Parkinson, với mong muốn giúp cha cải thiện bệnh và giảm các tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị. Đây là loại giày được thiết kế đặc biệt với 2 đèn laser được hoạt hóa bởi bước đi. Nguyên lý hoạt động của giày laser rất đơn giản: khi chân chạm giày xuống đất, giày trái sẽ chiếu một đường kẻ ngang trên nền nằm cách phía trước chân phải khoảng 18 inch, bệnh nhân sẽ bước đè lên hoặc tiến về phía đường kẻ làm hoạt hóa đèn laser ở giày phải và đèn này sẽ chiếu một đường kẻ ngang tương tự phía trước chân trái, rồi cứ tiếp tục như vậy.

Nghiên cứu hiện tại cho thấy, việc sử dụng giày laser mang lại nhiều lợi ích cho việc đi lại của một số lượng lớn bệnh nhân Parkinson. Số cơn đông cứng bước đi giảm 46% ở những người sử dụng loại giày này. Khoảng thời gian ngừng di chuyển cũng giảm xuống còn một nửa. Cả hai tác dụng này thể hiện mạnh nhất ở những bệnh nhân chưa sử dụng thuốc điều trị. Tuy nhiên, tình trạng cải thiện vận động cũng thấy rõ sau khi bệnh nhân đã sử dụng thuốc.Thử nghiệm này đã được thực hiện đối chứng trên 2 nhóm bệnh nhân có và không sử dụng thuốc điều trị bệnh. Trong số bệnh nhân được thử nghiệm, phần lớn đều vui lòng khi sử dụng loại giày này, và họ dường như không cần quan tâm đến việc hoạt hóa đèn laser bởi vì điều này diễn ra một cách tự động. Tuy nhiên, do tình trạng đông cứng bước đi trong bệnh Parkinson là một hiện tượng phức tạp, nên thiết bị này cần được cải tiến thêm. Lý tưởng nhất là làm sao đèn laser chỉ được hoạt hóa khi tình trạng đông cứng được phát hiện. Tiếp theo, các nhà khoa học sẽ tiến hành những thử nghiệm xa hơn ở môi trường sống hằng ngày của bệnh nhân khi loại giày này được đưa ra thị trường.

Trần Thái Sơn

((Theo Radboudumc))